Ba chàng ngốc
Ba chàng ngốc
Tác giả: Chetan Bhagat
Dịch giả: ACE Lê
Giới thiệu
Bạn muốn biết cách luyện thi vào một trường đại học hạng nhất? Ôi thôi đi, dễ chừng một nửa số cây trên thế giới đã bị đốn để in các loại sách có khi đều đáng vứt vào sọt rác rồi còn gì. Bạn muốn một cuốn cẩm nang dạy cách sống sót qua những năm đại học? Thế cũng thôi đi, đến chúng tôi còn chẳng hiểu làm sao có thể gắng gượng được đến phút cuối nữa là.
Còn nếu các bạn muốn tìm một tấm gương tày liếp về sự sa ngã nơi giảng đường một khi bạn không biết suy nghĩ cho tử tế, thì đây, câu chuyện về chúng tôi - ba ngôi sao thời trung học nhưng lại thành ra Ba chàng ngốc đì đẹt điểm trung bình ngày đại học với đủ trò quậy phá, gian lận, và cũng là Ba chàng ngốc luôn sát cánh bên nhau nếm trải nào tình bạn khắc cốt ghi tâm, nào tình yêu vượt qua mọi rào cản, nào tình thầy trò sáng trong thân thiết, nào tình cảm gia đình sẵn sàng xả thân.
Và, có thể bạn đã biết, năm 2009, câu chuyện về chúng tôi đã được đạo diễn Rajkumar Hirani chuyển thể thành Ba chàng ngốc - bộ phim Bollywood phá mọi kỷ lục phòng vé để trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử Ấn Độ. Còn bây giờ, nào, hãy cùng chúng tôi trải nghiệm những năm tháng tuổi trẻ điên rồ nổi loạn!
Nhận định
“Đã có nhiều nhà văn thành công trong việc thể hiện tâm tư của mình hoặc diễn giải một quan điểm cụ thể. Sách của Chetan Bhagat làm được cả hai, và còn hơn thế.”
- Times
“Vua của sách bìa mềm ở Ấn Độ.”
- Guardian
“Bhagat đã bắt mạch chuẩn xác các độc giả trẻ Ấn Độ và được tung hô gần như một vị thánh.”
- International Herald Tribute
“Tuyến nhân vật độc đáo trong một cốt truyện cuốn hút… (Bhagat) thuộc về một đẳng cấp riêng biệt.”
– Today của Ấn Độ
“… dí dỏm nhưng cảm động… phong cách dẫn truyện thoải mái và ung dung…”
– Financial Express
Tác giả
Chetan Bhagat
Sinh năm 1974, là nhà văn người Ấn Độ. Sách của anh thường đạt được ngay vị trí best seller từ khi mới phát hành và được chuyển thể thành nhiều bộ phim lớn như Bollywood. Tờ THE NEW YORK TIMES gọi anh là “tiểu thuyết gia viết tiếng Anh bán chạy nhất lịch sử Ấn Độ”. Tạp chí TIME đưa anh vào danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới”. Anh cũng từng có mặt trong số “100 người sáng tạo trong công việc nhất thế giới” do tạp chí FAST COMPANY (Mỹ) bình chọn.
Chetan viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Hinci cho các tờ báo hàng đầu, tập trung vào tuổi trẻ và các vấn đề phát triển đất nước. Anh cũng là một diễn giả đầy thuyết phục.
Chetan bỏ việc tại một ngân hàng đầu tư quốc tế vào năm 2009 để cống hiến toàn thời gian cho viết lách và đem lại sự thay đổi cho đất nước. Anh sống ở Mumbai cùng vợ là Anusha, một người bạn học cũ, và hai cậu con trai sinh đôi Shyam và Ishaan.
Các cuốn sách nổi tiếng nhất của Chetan có thể kể tới Ba chàng ngốc (Five point someone), Ba sai lầm của đời tôi (The 3 mistakes of my life), Hai đầu đất nước: Câu chuyện về cuộc hôn nhân của tôi (2 states: The story of my marriage) và Cách mạng 2020 (Revolution 2020).
Bạn muốn biết cách luyện thi vào một trường đại học hạng nhất? Ôi thôi đi, dễ chừng một nửa số cây trên thế giới đã bị đốn để in các loại sách có khi đều đáng vứt vào sọt rác rồi còn gì. Bạn muốn một cuốn cẩm nang dạy cách sống sót qua những năm đại học? Thế cũng thôi đi, đến chúng tôi còn chẳng hiểu làm sao có thể gắng gượng được đến phút cuối nữa là.
Còn nếu các bạn muốn tìm một tấm gương tày liếp về sự sa ngã nơi giảng đường một khi bạn không biết suy nghĩ cho tử tế, thì đây, câu chuyện về chúng tôi - ba ngôi sao thời trung học nhưng lại thành ra Ba chàng ngốc đì đẹt điểm trung bình ngày đại học với đủ trò quậy phá, gian lận, và cũng là Ba chàng ngốc luôn sát cánh bên nhau nếm trải nào tình bạn khắc cốt ghi tâm, nào tình yêu vượt qua mọi rào cản, nào tình thầy trò sáng trong thân thiết, nào tình cảm gia đình sẵn sàng xả thân.
Và, có thể bạn đã biết, năm 2009, câu chuyện về chúng tôi đã được đạo diễn Rajkumar Hirani chuyển thể thành Ba chàng ngốc - bộ phim Bollywood phá mọi kỷ lục phòng vé để trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử Ấn Độ.
CÒN BÂY GIỜ, NÀO, HÃY CÙNG CHÚNG TÔI TRẢI NGHIỆM NHỮNG NĂM THÁNG TUỔI TRẺ ĐIÊN RỒ NỔI LOẠN!
Lời cảm ơn
Thật không đúng khi nói rằng đây là cuốn sách của tôi. Cùng lắm tôi chỉ dám công nhận rằng nó là giấc mơ của tôi. Việc biến giấc mơ này thành cuốn sách bạn đang cầm trên tay đây là thành quả của rất nhiều cá nhân tuyệt vời mà tôi muốn cảm ơn, cụ thể là:
Shinie Antony – người thầy, nhà cố vấn và người bạn đã dạy cho tôi những phương thức kể chuyện cơ bản, và đi cùng tôi cho tới tận cuối con đường. Nếu không có sự động viên và đốc thúc thường trực của cô, thì chắc tôi đã quẳng gánh từ lâu lắm rồi.
James Turner, Gaurav Malik, Jessica Rosenberg, Ritu Malik, Tracie Ang, Angela Wang và Rimjhim Chattopadhya – những người bạn tuyệt vời đã giúp tôi đọc bản thảo và đưa ra những lời nhận xét thẳng thắn. Tất cả đều ở bên tôi trong suốt quá trình viết sách, và kiên nhẫn chịu đựng những giây phút tôi không kiềm chế nổi cảm xúc của mình. Anusha Bhagat – người vợ cũng là cựu đồng môn của tôi, độc giả đầu tiên của bản sơ thảo. Ngoài việc bị sốc khi đọc phải một số đoạn, vợ tôi đã giữ bình tĩnh rất giỏi khi phải đảm đương trách nhiệm chỉnh sửa bản thảo mà không làm mếch lòng chồng.
Mẹ tôi Rekha Bhagat cùng anh trai Ketan, hai cá nhân đã đặt vào tôi một niềm tin mù quáng không lay chuyển nổi, lắm lúc đến mức dở người. Tình yêu giữa ba người chúng tôi đã vượt qua cả quan hệ huyết thống đơn thuần, và tôi, cũng như mọi tác giả khác, đều cần lắm sự động viên mù quáng ấy.
Bạn học IIT của tôi Ashish (Golu), Johri, VK, Manu, Shanky, Pappu, Manhar, VP, Rahul, Mehta, Pago, Assem, Rajeev G., Rahul, Lavmeet, Puneet, Chapar và tất cả các bạn cùng khóa. Tuy đây là một tác phẩm hư cấu, nhưng mọi câu chuyện hư cấu đều bắt nguồn từ cảm hứng thật. Tôi quý mến các bạn tôi đến mức có thể viết hẳn một cuốn sách về họ. Mà gượm đã, tôi đã chẳng viết rồi đấy sao!
Bạn bè tôi ở Hồng Kông, đồng nghiệp, giáo viên dạy yoga và những vị bằng hữu khác đã ở bên tôi, quý mến tôi và khiến cuộc sống trở nên thú vị biết bao.
Ban biên tập và đội ngũ làm việc tại Rupa, vì sự chuyên nghiệp và thân thiện trong suốt quá trình xuất bản.
Và cuối cùng, chỉ đến khi phải viết sách thì ta mới có dịp nhận ra sức mạnh thực sự của MSWord, từ chức năng kiểm tra ngữ pháp đến thay thế từ. Đơn giản mà nói – không có phần mềm này thì cuốn sách này đã chẳng được viết. Xin cảm ơn ông Bill Gates và tập đoàn Microsoft!
Mở đầu
Trước giờ tôi chưa bao giờ phải ngồi trong khoang xe cấp cứu cả. Thật rùng rợn làm sao. Cứ như thể cả một bệnh viện được ra lệnh phải thu xếp sơ tán ngay lập tức vậy. Nào dụng cụ y khoa, ống truyền dịch, dịch truyền, hộp y tế bày kín quanh hai chiếc cáng. Chẳng còn mấy chỗ cho tôi và Ryan đứng, khi Alok còn đang nằm nhoài trên cáng. Thì với mười ba vết rạn xương, bạn được ưu ái nằm cáng là đúng rồi. Tấm ga vốn trắng toát, giờ đã phủ loang màu máu của Alok. Chẳng thể nhận diện được người nằm đó chính là bạn tôi, bởi hai mắt cậu đang trợn ngược lên còn lưỡi thì thè lè như một ông cụ quên mang răng giả. Sau này bác sĩ bảo bọn tôi rằng bốn cái răng cửa đã bay mất rồi.
Tứ chi Alok bất động, hệt như nửa người bên phải bị liệt của bố cậu ấy, gối bên phải của cậu gập theo cái kiểu khiến ai nhìn cũng sẽ ngỡ cậu không có xương. Cậu nằm im lìm, và nếu phải đánh cược thì tôi sẽ cược là cậu đã đi tong rồi.
“Nếu Alok vượt qua được nạn này thì tớ sẽ viết hẳn một cuốn sách về những ngày điên rồ của chúng mình. Nhất định đấy,” tôi thề. Một kiểu lời hứa vớ vẩn ta vẫn tự hứa với bản thân khi đầu óc đang rối như mớ bòng bong và cơ thể rã rời sau suốt năm mươi tiếng đồng hồ chưa được chợp mắt…
Chương 1: Đôi lời phân trần
Trước khi đi vào nội dung chính của sách, xin bạn cho tôi đính chính vài lời. Cuốn sách này tuyệt đối không phải cuốn cẩm nang dạy bạn cách sống sót qua những năm đại học. Ngược lại, có thể coi nó chính là tấm gương tày liếp về sự sa ngã nơi giảng đường một khi bạn không biết suy nghĩ cho tử tế. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là quan điểm riêng của tôi thôi, bạn có đồng ý hay không thì tùy. Tôi đồ rằng cả Ryan và Alok, vốn là hai kẻ tâm thần, sau khi đọc xong chắc sẽ giết tôi mất, nhưng tôi chả quan tâm. Ý tôi là, nếu hai cậu ấy muốn trưng ra phiên bản của mình thì có thể tự đi mà viết một quyển khác. Nhưng Alok vốn tậm tịt khả năng viết lách, còn Ryan dù muốn làm gì cũng đều làm được, nhưng lại cầm tinh con lười nên chắc chắn sẽ không chịu đặt mông xuống ghế để gõ phím đâu. Thế nên hai cậu cứ ngậm bồ hòn đi nhé – đây là câu chuyện của tớ, người viết là tớ, và kể theo kiểu nào là quyền của tớ.
À, còn một điều nữa tôi phải phân trần trước. Cuốn sách này sẽ không giúp bạn thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật Ấn Độ (IIT) đâu. Tôi nghĩ rằng phải đến một nửa số cây trên thế giới đã bị đốn để in các loại sách hướng dẫn luyện thi vào IIT rồi. Tuy hầu hết đều đáng vứt rác, nhưng có khi những cuốn đó lại có ích hơn cuốn này của tôi bạn ạ.
Ryan, Alok và tôi chắc hẳn phải là những người cuối cùng trên quả đất có thể mách cho bạn đường đi nước bước vào IIT. Ba đứa chúng tôi chỉ có thể nói một điều rằng, nếu bạn có thể tự khóa mình trong một phòng đầy sách vở trong suốt hai năm ròng và vứt chìa khóa đi, thì may ra bạn còn có cơ hội thi đỗ vào đây. Mà nếu những năm học cấp ba của bạn chỉ khổ sở bằng một nửa tôi thôi, thì có khi việc chôn mình dưới đống sách hóa ra lại không phải là một ý tồi. Hai năm học cấp ba của tôi quả là địa ngục nơi trần thế, và nếu không phải là đội trưởng đội bóng rổ hay biết chơi ghi ta điện từ năm lên sáu, thì rất có khả năng bạn cũng chả hơn gì tôi. Nhưng thôi tôi không muốn đào sâu vào chủ đề ấy làm gì nữa.
Đấy, tôi đã đính chính trước rồi nhé, giờ thì bắt đầu được rồi.
Cuộc phiêu lưu nào cũng có giây phút khởi hành, và còn điểm xuất phát nào tốt hơn cái ngày tôi nhập học IIT và lần đầu gặp gỡ Ryan cùng Alok: chúng tôi được phân ở phòng cạnh nhau trên tầng hai ký túc xá Kumaon. Theo lệ thường niên, đúng nửa đêm, đám sinh viên khóa trên quây hết bọn ma mới chúng tôi lại trên ban công lớn để bắt đầu nghi thức dằn mặt. Tôi vẫn còn dụi dụi mắt khi cả ba đứa chúng tôi đứng nghiêm, trước mặt là ba gã khóa trên. Một gã tên Anurag đứng dựa lưng vào tường. Một gã khác, qua con mắt bồn chồn của tôi thì trông như một con quỷ trong mấy chương trình thần thoại rẻ tiền hay chiếu trên ti vi – cao hơn mét tám, nặng hơn trăm cân, đen, lông lá, hàm răng to cộ chắc mười năm chưa gặp nha sĩ. Gã này mặc dù trông bặm trợn thế, nhưng lại rất kiệm lời vì còn mải làm nền cho gã đại ca, Baku, một cây tăm di dộng biết quấn khăn, và tôi đoán chừng chắc cũng tỏa mùi gần giống thế.
“Cái bọn búng ra sữa này, ngủ nghê cho lắm vào? Đám oe con, tự giới thiệu đi chứ?” gã hét to.
“Thưa đại ca em là Hari Kumar, sinh viên khoa Cơ khí, xếp hạng 326 toàn Ấn Độ ạ.” Khi bị áp lực, tôi trở nên thật thà như đếm.
“Thưa đại ca em là Alok Gupta, khoa Cơ khí, xếp hạng 453 ạ.” Alok nói khi tôi liếc qua nhìn cậu ấy lần đầu tiên. Cậu ta cao xấp xỉ tôi, một mét sáu lăm – nghĩa là lùn tịt – mắt đeo cặp kính dày cộp to oành. Dáng người đẫy đà của cậu được choàng trong bộ quần áo ngủ dài tay cổ truyền màu trắng tinh được là phẳng phiu.
“Ryan Oberoi, khoa Cơ khí, hạng 91, thưa đại ca,” Ryan nói bằng giọng trầm khàn khiến mọi cặp mắt đều đổ dồn vào cậu ấy.
Ryan Oberoi, tôi lặp lại cái tên này trong đầu. Này nhé, đây rõ là một chàng trai không hay bắt gặp ở IIT: cao ráo có lẻ, vóc người gọn gàng do rèn luyện, và một khuôn mặt điển trai đến bất công. Cậu ta bận một chiếc áo phông rộng màu xám có ba chữ “GAP” khổ lớn màu xanh dương ngay trước ngực và quần ngố đen bóng cắt tới gối. Có họ hàng ở nước ngoài là cái chắc, tôi nghĩ bụng. Chứ làm gì có ai lại mặc áo GAP đi ngủ bao giờ.
“Lũ chết tiệt này,” Baku rú rít. “Cởi quần áo ra ngay.”
“Kìa Baku, sao không nói chuyện với chúng thêm một lúc nữa chứ,” Anurag phản đối, lưng vẫn dựa vào tường, miệng ngậm mẩu đầu lọc thuốc lá.
“Không nói niếc gì hết!” Baku giơ một bàn tay gầy nhẳng lên cao. “Nói niếc gì, cứ cởi cái mớ quần áo chết tiệt ấy ra đi!”
Một gã trông như quỷ khác nhìn chúng tôi cười gian ác và cứ vài giây lại đưa tay vỗ cái bụng trần. Chẳng còn cách nào khác nên chúng tôi đành phải cởi bỏ lần lượt mọi mảnh vải trên người, run bắn lên trước vẻ hoan hỷ quái đản trên gương mặt Baku khi gã khoan thai đi qua đi lại, nhăn nhở kiểm tra từng đứa chúng tôi.
Cái sự trần trùi trụi càng làm nổi rõ sự khác biệt giữa cơ thể chúng tôi khi tôi và Alok đều bẽn lẽn di di ngón chân cái trên mặt sàn để cố tỏ ra thản nhiên về thân hình nhìn như quả bóng bay bị vặn xoáy của mình. Mèn ơi, cái cậu Ryan lại có thân hình lực lưỡng hoàn hảo thế cơ chứ, những búi cơ cắt ở những vị trí chuẩn xác nhất và khung người chuẩn hiếm hoi như hình minh họa trong sách sinh học. Bạn cứ nghĩ đến một phong tượng tạc ấy. Còn Alok và tôi thì chẳng thể nào được gọi là nghệ thuật cả.
Baku ra lệnh cho Alok và tôi bước lên trước để đám ma cũ nhìn cho rõ hơn và cười cho to hơn.
“Nhìn hai thằng này xem, mẹ chúng nó tọng cho ăn nhiều đến mức sắp nổ rồi đây này, đúng là cái loại trẻ con uống sữa Farex,” Baku cười nắc nẻ.
Gã mặt quỷ phá lên cười theo. Anurag vừa cười nhoẻn vừa phun khói sau khi rít cạn một điếu thuốc nữa như để lấy le.
“Đại ca, xin đại ca, cho chúng em đi ạ,” Alok khẩn cầu Baku khi gã tiến tới gần.
“Hả? Cho chúng mày đi à? Bọn tao đã kịp làm gì với đám mặc váy chúng mày đâu. Nào hai thằng lợn này, quỳ cả bốn chân xuống mau.”
Tôi ngoảnh sang nhìn mặt Alok. Mặc dù đôi mắt cậu ấy như ẩn trốn sau cặp kính chống đạn cồm cộp nhưng chỉ cần nhìn khuôn mặt méo xẹo là tôi cũng đủ biết cậu ấy đang trực trào nước mắt giống như tôi.
“Nào, có tuân lệnh đại ca không thì bảo,” gã mặt quỷ mắng. Có vẻ như gã này và Baku sống cộng sinh với nhau thì phải; Baku cần cái sức vũ phu của gã, còn gã thì cần Baku như tên nô lệ cần chỉ dẫn.
Alok và tôi quỳ phục xuống. Những tràng cười lại rộ lên, lần này từ trên đầu chúng tôi vọng xuống. Gã mặt quỷ đề xuất ý kiến cho chúng tôi thi bò, ý kiến nguyên bản đầu tiên của gã từ đầu tới giờ, nhưng Baku phủ quyết ngay.
“Không đua điếc gì hết, tao có ý kiến hay hơn. Đợi tí, tao về phòng cái đã. Còn hai con bò tồng ngồng này, cấm ngước nhìn lên.”
Baku phóng thẳng về hướng đầu hành lang trong khi chúng tôi chờ đợi suốt hai mươi giây căng thẳng, mặt cắm xuống sàn. Tôi liếc sang bên và thấy nước mắt nhỏ lã chã từ trên mặt Alok xuống sàn thành một vũng con con.
Trong lúc này, gã mặt quỷ bắt Ryan gồng người lên và bắt chước những dáng đứng của võ sĩ. Tôi cược là cậu ta hẳn phải rất ăn ảnh, nhưng không dám ngước lên để kiểm chứng.
Tai tôi dỏng lên khi nghe thấy tiếng bước chân Baku hối hả quay lại.
“Xem tao có cái gì đây,” gã giơ hai tay lên.
“Baku, cái này để làm cái quái gì thế…?” Anurag hỏi trong khi chúng tôi ngẩng đầu lên.
Trên mỗi tay gã là một chai Coke rỗng. “Cứ đoán thử đi,” gã nói, gõ gõ hai cái vỏ chai vào nhau, làm mấy động tác kích dục.
Khuôn mặt nghiêm lại, nhưng hai tay vẫn gồng lên theo dáng mẫu, Ryan đột ngột lên tiếng, “Đại ca, chính xác là anh muốn làm gì?”
“Gì, lại còn chưa rõ à? Mà mày là ai mà dám chất vấn tao?” Baku chựng lại.
“Dừng lại đi, đại ca,” Ryan lên giọng.
“Cút con mẹ mày đi,” Baku chửi, hai mắt lộ rõ vẻ không thể tin nổi, trợn trừng kinh ngạc nhìn kẻ phản kháng trâng tráo dám chống lại uy quyền của một bậc đàn anh.
Khi Baku đang chuẩn bị đưa hai cái chai vào vị trí, Ryan rũ bỏ dáng đứng tượng tạc và nhảy phốc lên. Thừa cơ gã đang không để ý, Ryan chộp lấy hai cái chai và dập mạnh xuống hai bàn chân gã, khiến gã phải buông tay ra, hai cái chai đã nằm trong tay Ryan như trong phim James Bond.
Cả lũ chúng tôi đều hiểu cú dập đó phải đau đến mức nào, vì tiếng hét của Baku có tần số siêu âm.
“Bắt lấy thằng chó đẻ,” Baku rít lên trong đau đớn.
Chỉ số IQ của gã mặt quỷ bị diễn biến vụ việc làm lu mờ đi, nhưng hai tai gã thì vẫn kịp bắt lấy mệnh lệnh hành động, nhưng khi gã vừa định thần để ra tay thì cũng là lúc Ryan đập choang hai vỏ chai vào lan can ban công. Giờ cả hai cái chai đều bị vỡ đáy, và cậu quơ quơ hai cổ chai vỡ nham nhở lên không trung.
“Lại đây nào bọn chết tiệt,” Ryan chửi, mặt đỏ như miếng dưa hấu. Baku và gã mặt quỷ lui lại vài bước. Anurag, nãy giờ vẫn gườm gườm từ đằng sau, đột nhiên nói lớn. “Ơ kìa, mọi người bình tĩnh lại nào. Sao lại đến nông nỗi này? Cậu kia tên gì ý nhỉ - à Ryan, sao lại nghiêm trọng thế. Đùa vui chút thôi mà.”
“Tôi chả thấy gì vui hết,” Ryan gầm gừ. “Các anh cuốn xéo khỏi đây được rồi đấy.”
Alok và tôi quay ra nhìn nhau. Tôi chỉ mong Ryan hiểu rõ cậu ấy đang làm gì. Ý là, ừ thì cậu ấy đang cứu hai cặp mông của chúng tôi khỏi cái chai Coke, nhưng cái chai Coke bị đập vỡ thì có thể gây hậu quả khôn lường.
“Cậu nghe anh nói đây,” Anurag vừa lên tiếng thì bị Ryan cắt ngang luôn.
“Có xéo ngay không,” Ryan gào to đến mức Baku như bị thổi bay bởi âm hưởng khủng khiếp đó. Thực ra, gã đang lui dần từng bước một, chậm mà chắc, cho tới khi gã rảo cẳng chạy như bay khỏi đó, gã mặt quỷ chạy theo sát nút. Anurag há hốc miệng đứng nhìn Ryan một lúc lâu, rồi nhìn qua bọn tôi.
“Bảo cậu ấy tự kiểm soát đi. Bằng không, rồi sẽ có ngày cậu ấy cho cả hai chú mày tiêu đời đấy,” Anurag nói.
Alok và tôi lồm cồm bò dậy mặc quần áo vào.
“Cảm ơn Ryan nhé, tớ sợ phát run lên được,” Alok vừa nói vừa tháo kính ra để lau nước mắt và mũi dãi, cuối cùng cũng được đứng trực diện với người hùng của mình.
Phải có lý do thì người ta mới nói đàn ông không nên khóc, vì khi đàn ông khóc trông thật xấu xí. Cặp kính của Alok trông đã não nề lắm rồi nhưng đôi mắt húp híp ướt nhễu nhại như trẻ con của cậu ấy thì còn có khả năng khiến bạn trầm cảm đến tự sát mất thôi.
“Ừ, cảm ơn Ryan, cậu cũng liều thật đấy. Gã Baku bệnh hoạn thật. Nhưng cậu nghĩ mấy gã đó có định làm thật không nhỉ?” tôi cố lấy vẻ bình thản lên tiếng.
“Ai mà biết được? Có thể không,” Ryan xoay xoay khớp vai. “Nhưng không thể đoán được khi nào thì những gã đó nổi cơn lên đồng đâu. Tin tớ đi, tớ sống ở quá nhiều trường nội trú rồi.”
Động thái anh hùng của Ryan đủ để khiến ba chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết như keo dán Fevicol. Thêm vào đó, chúng tôi lại là hàng xóm ký túc của nhau và học cùng khoa nữa. Người ta cứ nói bạn không nên tiến xa hơn với những người bạn lên giường ngay đêm hẹn hò đầu tiên. Ừ thì, mặc dù chúng tôi chưa lên giường cùng nhau, nhưng chúng tôi đã nhìn thấy nhau khỏa thân ngay từ lần gặp đầu rồi còn gì, nên có lẽ chúng tôi không nên làm bạn với nhau mới phải. Nhưng bộ ba ngự lâm pháo thủ này thì dù muốn cũng không tách rời nhau ra được.
“M-Á-Y-M-Ó-C,” trên tấm bảng đen kẻ đậm loạt chữ cái to tướng.
Khi bước vào giảng đường thiết kế theo hình khán đài vòng cung, mỗi đứa chúng tôi vớ lấy một xấp tài liệu phát tay. Vị giảng viên ngồi cạnh bảng đen nhìn như con bọ cánh cứng trương phồng đang dõi nhìn chúng tôi ổn định vị trí và chờ cho tiếng ồn ào lắng xuống.
Trạc tứ tuần với mái tóc muối tiêu bóng loáng hẳn vừa được chải vuốt ba thìa đầy dầu dừa, ông thầy bận áo sơ mi xanh nhạt bỏ ngoài quần, túi ngực cắm một lúc ba cây bút và mấy thỏi phấn trắng nhìn như một băng đạn.
“Xin chào các anh chị. Tôi là giáo sư Dubey khoa Cơ khí… thế nào, ngày đầu tiên ở giảng đường đại học nhỉ? Các anh chị có cảm thấy đặc biệt không?” giọng ông đều đều như máy.
Cả lớp vẫn im phăng phắc. Chúng tôi còn đang bận đọc lướt qua tài liệu và làm quen với không khí bầy đàn này.
Đây là môn Quá trình Sản xuất, thường hay được gọi tắt là Quá Sản cho gọn. Tài liệu có lược rõ giáo trình cho cả khóa, bao gồm những công nghệ cơ bản của sản xuất – từ hàn mối, gia công, đúc cho tới uốn và định hình sản phẩm. Đi kèm với giáo trình là phương thức chấm điểm.
Kiểm tra chính – 40%
Kiểm tra phụ - 20%
Thực hành – 20%
Bài giao về nhà (6-8 bài) và Trắc nghiệm đột xuất (3-4 bài) – 20%
Sau khi không thấy ai mặn mà gì cho lắm với màn chào hỏi của mình, giáo sư Dubey bèn đổi sang giọng hồ hởi hơn. “Tí nữa hãy xem tài liệu cũng chưa muộn. Không phải lo, rồi các anh chị sẽ được phân phát tài liệu cho no nê thì thôi, mỗi môn một xấp. Giờ thì xếp chúng qua một bên đi,” ông vừa nói vừa đứng dậy tiến về phía bảng.
Rồi ông rút một thỏi phấn ra khỏi túi bằng động tác vung tay đầy hào khí như chiêu quăng mìn của mấy kẻ khủng bố ta hay xem trên phim, gạch chân từ ‘máy móc’ khoảng sáu lần, và quay ra nói. “Máy móc, lý do tồn tại duy nhất của một sinh viên khoa Cơ khí. Tất cả những gì anh chị học ở đây đều được ứng dụng vào máy móc hết. Nào, ai định nghĩa cho tôi xem máy móc là gì nào?”
Cả lớp lại càng lặng im hơn. Đó là bài học đầu tiên: những sắc thái khác nhau của sự im lặng.
“Ai nào?” ngài giáo sư hỏi lại lần nữa khi ông bắt đầu đi xuyên qua dãy bàn chúng tôi ngồi. Trong khi những đứa ngồi sát lối đi đang cố hết sức tránh ánh săm soi của thầy, tôi quay đầu quan sát đám bạn đồng môn mới. Cả lớp phải có đến bảy mươi người, trên tổng số ba trăm toàn khóa. Tôi để ý thấy một cậu ngồi trước đang nhìn theo thầy giáo đầy căng thẳng, cái đầu thò trước thụt sau, miệng há hốc; đúng kiểu nhút nhát mà gã Baku chỉ cần búng tay là run như cầy sấy.
“Anh này,” giáo sư Dubey chọn ngay tôi làm nạn nhân đầu tiên.
Đó là lần đầu tiên tôi rơi vào trạng thái choáng váng đó, toàn thân đóng băng, lưỡi dính líu ríu vào lợi, các mạch máu như vỡ tung và mồ hôi tuôn trào như suối.
“Anh chứ còn ai, tôi gọi anh đấy,” ông thầy nói thêm.
“Hari, Hari…” có giọng nói nào từ trong đầu đang gọi vọng lại, nhưng tôi đã hồn lìa khỏi xác mất rồi. Lẽ ra tôi phải cố mà rặn bừa ra một câu trả lời bất kỳ, hoặc ít nhất cũng phải thú nhận ‘Dạ em không biết ạ’ nhưng cái miệng tôi lại mở thành chứ ẠEÔẠ.
“Lạ nhỉ,” vị giáo sư chẩn đoán đầy hoài nghi rồi chọn nạn nhân tiếp theo.
“Cậu áo kẻ ca rô kia. Phát biểu xem nào?”
Từ nãy đến giờ Áo Ca Rô vẫn hí hoáy giả vờ ghi chép để tránh cái nhìn soi mói của giáo sư. “Dạ thưa thầy, máy móc là, thưa thầy… là một loại thiết bị… như kiểu những linh kiện lớn… thưa thầy… như kiểu bánh răng cưa lớn… và vân vân ạ…”
“Hả?” Giáo sư Dubey biểu lộ rõ sự khinh miệt với Áo Ca Rô như muốn nhỏ toẹt vào mặt cậu ta. “Đấy thấy chưa, cứ qua mỗi khóa là tiêu chuẩn lại phọt phẹt đi một bậc. Tiêu chí đầu vào quá lỏng lẻo!” Ông lắc lắc cái hộp sọ được tẩm đẫm dầu dừa, cái hộp sọ chứa đủ thông tin toàn thư trên hành tinh này, bao gồm cả định nghĩa về máy móc.
“Nói cứ như đúng rồi ấy. Mài mòn cả đũng quần suốt hai năm trời mới đỗ được vào cái trường khỉ gió này. Với các ông bà ấy thì một chọi một trăm vẫn còn quá lỏng lẻo,” Ryan thầm thì vào tai tôi.
“Suuuuỵt,” giáo sư quay sang nhìn ba đứa chúng tôi ra lệnh, “mà thôi, định nghĩa máy móc cũng đơn giản thôi. Bất kỳ thứ gì giúp giảm thiểu nhân lực thì được gọi là máy móc. Bất kỳ thứ gì. Thế nên cứ nhìn ra thế giới xung quanh mình là anh chị sẽ thấy máy móc ở khắp mọi nơi.”
Bất kỳ thứ gì giúp giảm thiểu nhân lực, tôi nhẩm lại trong đầu. Ừ thì cũng đơn giản đấy chứ nhỉ.
“Thế nên, từ những công xưởng thép khổng lồ cho tới những chiếc chổi đơn giản, con người đã phát minh ra rất nhiều thứ để giảm thiểu nhân lực,” vị giáo sư nói tiếp khi nhận thấy cả lớp như đang bị hút hồn bởi lời giải thích quá đơn giản của mình.
“Máy bay ạ?” một đứa ngồi đầu bàn hỏi.
“Máy móc đấy,” giáo sư đáp.
“Cái ghim giấy,” một đứa khác gợi ý.
“Máy móc đấy.”
Thật tuyệt vời làm sao. Cái thìa, ô tô, máy xay sinh tố, con dao, cái ghế - đám sinh viên đưa ra hết ví dụ này đến ví dụ kia, và vị giáo sư chỉ có đúng một câu trả lời – máy móc.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian